Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Đưa quy định về quản lý thực phẩm chức năng vào dự thảo Luật Dược sửa đổi?

SKĐS - Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đang tiếp tục lấy ý kiến từ các đoàn Đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Dược (sửa đổi) để hoàn thiện lần cuối trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới. Về cơ bản, Luật Dược sửa đổi đã đáp ứng được các vấn đề quan trọng của công tác quản lý thuốc và mỹ phẩm. Nhưng vẫn còn một số ý kiến được đại biểu đưa ra là: đề nghị bổ sung các quy định về quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) vào dự thảo Luật Dược sửa đổi.

Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, việc quản lý thực phẩm chức năng hiện còn nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, việc thổi phồng quảng cáo khiến người tiêu dùng nghĩ rằng TPCN là “thần dược” có tác dụng chữa bách bệnh; tình trạng TPCN giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được mua bán tràn lan qua mạng internet và trên thị trường khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được “thật”, “giả”; việc không ít người bán hàng lợi dụng các kênh bán hàng đa cấp, các chương trình “núp bóng” từ thiện khám chữa chữa bệnh miễn phí để tư vấn, tiếp thị, bán TPCN với giá cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe và túi tiền người dân...
Siết chặt quản lý TPCN là việc làm cần thiết, tuy nhiên tại Việt Nam, việc quản lý TPCN được quy định bởi Luật An toàn thực phẩm. Trong khi đó, dự thảo Luật Dược sửa đổi là để điều chỉnh các hoạt động quản lý về thuốc và mỹ phẩm. Vì vậy, việc bổ sung các quy định về TPCN vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần phải xem xét để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản luật, đồng thời phải khắc phục được những khoảng trống mà các luật hiện hành chưa điều chỉnh. 
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Các đại biểu Quốc hội cho rằng, TPCN mặc dù được quy định trong Luật An toàn thực phẩm nhưng không rõ ràng, chỉ có vài định nghĩa rất đơn sơ, không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, không đủ tầm để quản lý cũng như hạn chế việc quảng cáo, lạm dụng TPCN đối với người bệnh, gây ra sự hiểu lầm của người bệnh... Trong dự thảo Luật Dược có điều: nghiêm cấm việc hiểu lầm hoặc tạo những điều khiến cho người dân hiểu lầm do quảng cáo, tiếp thị hay do tư vấn sử dụng sản phẩm không phải là thuốc. Như vậy, dự thảo đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội là cố gắng có những quy định để hạn chế lạm dụng TPCN. Về lâu dài cần có luật riêng về TPCN” - ông Tiên chia sẻ.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cùng với mục tiêu giúp cho người tiêu dùng dễ dàng phân biệt giữa thuốc với các sản phẩm không phải là thuốc (trong đó có TPCN), Ban soạn thảo đã bổ sung thêm quy định sau: Nghiêm cấm “thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
“Những quy định trên được Ban soạn thảo bổ sung trong dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiều nước khác trên thế giới. Mà quốc tế họ định nghĩa và quy định rất rõ ràng: Những gì không phải là thuốc thì không được sử dụng những từ chỉ có thuốc mới được sử dụng như “điều trị”, “phòng bệnh”, “điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể”... - ông Tiên cho biết thêm.

Quy định “Nghiêm cấm thông tin, quảng cáo... đối với các sản phẩm không phải là thuốc” được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy định chung của quốc tế và nhiều nước khác trên thế giới. Cụ thể:

- Theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX)và quy định chung của Liên minh châu Âu (EU), nghiêm cấm thực phẩm chức năng có các chỉ định dùng để phòng, giảm nhẹ, điều trị, chữa bệnh/rối loạn hoặc bất kỳ tình trạng sinh lý cụ thể nào.

- Theo quy định của FDA Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng không được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh (chẳng hạn, thực phẩm chức năng không được phê duyệt cho các chỉ định như giảm đau hoặc điều trị các bệnh tim mạch). Những chỉ định này chỉ được FDA Hoa Kỳ cấp phép cho thuốc, không cấp cho thực phẩm chức năng.

- Tại Singapore có quy định nghiêm cấm việc thực phẩm chức năng được dán nhãn, quảng cáo, tiếp thị cho bất kỳ mục đích y khoa cụ thể nào, chẳng hạn dùng để hoặc có ngụ ý dùng để điều trị, phòng bất kỳ một bệnh/rối loạn nào, bao gồm cả các tình trạng có liên quan của bệnh hoặc rối loạn đó.

Thái Bình

Thực phẩm chức năng có nguy cơ gây hại sức khỏe?

SKĐS - Một báo cáo của tờ Người tiêu dùng vừa đưa ra cảnh báo việc sử dụng thực phẩm chức năng hàng ngày có thể gây hại cho sức khỏe con người. 


Thông tin gây shock này đánh mạnh vào tâm lý của nhiều người Mỹ. Họ thường có thói quen uống 1-2 loại thực phẩm chức năng mỗi ngày. Tờ Consumer Reports đã đề nghị các sản phẩm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chứng năng phải được đặt dưới sự kiểm soát của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) ngay từ khâu sản xuất.
Tuy nhiên trên thực tế các nhà sản xuất thực phẩm chức năng lại không chịu sự ràng buộc bởi các quy định như sản xuất thuốc, họ không kiểm soát thành phần có trong sản phẩm mà coi nó như một loại thực phẩm. Cho đến khi ra thị trường, thực phẩm chức năng được bán bởi các siêu thị, nhà thuốc, nơi những dược sĩ hoặc tư vấn viên không biết gì về những tương tác giữa thực phẩm chức năng với các thuốc mà người tiêu dùng đang sử dụng.
Theo thống kê của Consumer Reports, có khoảng 23.000 người dùng viên uống bổ sung phải cấp cứu mỗi năm. TS Donna Seger, Giám đốc Trung tâm kiểm soát chất độc Tennessee cho biết, nhiều người không nghĩ rằng những thực phẩm bổ sung lại ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Mọi người không nên nghĩ các chất có trong viên thực phẩm chức năng đều vô hại và liệu rằng mỗi 1 viên thực phẩm chức năng trong 100 viên có trong hộp thuốc đều có cùng hàm lượng hay không, TS Seger giải thích. 

Các thành phần trong thực phẩm chức năng gây độc thế nào?
Consumer Reports đã chỉ ra 15 thành phần cụ thể có trong thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng như bột caffeine, chiết xuất bột trà xanh, gạo men đỏ, chaparral, dầu pennyroal, yohimbe, cây phụ tử, kava... Chúng đều có tác dụng phụ nguy hiểm như làm cho tim đập nhanh, gây tổn thương gan, co giật. Những loại thực phẩm như vậy không thể tăng cường sức khỏe mà sẽ dần “bào mòn” sức khỏe của bạn, nếu nhiễm độc nặng hoặc kết hợp với nền bệnh tật của người dùng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ví dụ như hợp chất yohimbe là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy trong các sản phẩm bổ sung, nhất là các viên bổ sung cho người ăn kiêng. Thực chất yohimbe có nguồn gốc từ loại vỏ cây, được cho là điều trị bệnh béo phì và giảm ham muốn tình dục. Nhưng nó cũng có những tác dụng phụ ít được đề cập là làm tăng nhịp tim, có nguy cơ gây ra cơn hồi hộp, lo lắng, thậm chí có thể tử vong nếu dùng liều cao.
Một độc chất như aconite (cây phụ tử) cũng được tìm thấy trong các sản phẩm bổ sung nhưng nó gây buồn nôn, bệnh tim. Dùng thường xuyên bột trà xanh – có trong các sản phẩm giảm cân làm cho lượng sắt trong máu thấp. Hay như kava – một loại cây ở Nam Thái Bình Dương có tác dụng giảm lo âu, mất ngủ, nhưng tác dụng phụ làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm và tổn thương gan đều không được nhà sản xuất đề cập đến.

Bí quyết để sử dụng các sản phẩm chức năng an toàn
Ngay từ đầu, người tiêu dùng thông thái không nên quá tin vào các loại quảng cáo về sản phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thực vật, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để trở thành người dùng thực phẩm chức năng thông minh, cần chọn những sản phẩm của nhà sản xuất uy tín. Tốt nhất nên nhận sự tư vấn của bác sĩ xem mình có sử dụng loại thực phẩm chức năng đó được hay không, nếu có bất kỳ vướng mắc nào đừng ngần ngại hãy gặp bác sĩ của bạn .... Và trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ của bạn.
-  Cần hỏi bác sĩ xem có sử dụng sản phẩm chức năng khi mang thai và cho con bú.
- Tư vấn thầy thuốc về việc có thể dùng sản phẩm này trong thời gian bao lâu.
- Thực phẩm chức năng có tương tác với thuốc đang sử dụng hay không, có gây tác dụng phụ gì không.
- Liệt kê danh sách các thực phẩm chức năng và thuốc đang dùng cho bác sĩ biết
- Ghi ngày giờ uống thuốc và uống thực phẩm chức năng bởi rất có thể bạn sẽ uống quá liều.
-Ghi lại và báo cho bác sĩ biết tác dụng phụ nếu gặp phải.

Điều quan trọng nhất để duy trì sức khỏe, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, không phải là việc sử dụng thực phẩm chức năng mà là chế độ dinh dưỡng, vận động và lối sống lành mạnh. Không thực phẩm bổ sung nào tốt bằng chế độ ăn uống, cách thức này vừa an toàn vừa rẻ tiền. Bên cạnh thực phẩm bổ sung cần một chế độ vận động, thể dục thể thao hợp lý, lối sống năng động sẽ giúp chúng ta phòng chống bệnh tật và có sức khỏe như ý.
Nguyễn Mai Hoàng
(Theo ABCnews, Medicaldaily)

Xử phạt hàng loạt thực phẩm chức năng vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo

SKĐS - 10 ngày đầu tháng 12/2015 đã có 8 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt với tổng số tiền phạt gần 177 triệu đồng
Ngày 11/12, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, từ  ngày 1/12- 11/12/2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 177 triệu đồng, trong đó, có 4 công ty bị xử phạt từ 24 triệu đồng đến 50 triệu đồng gồm:
Công ty Cổ phần thương mại Dược phẩm Quốc tế Á Châu, địa chỉ: Số nhà 28, tổ 19, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội: Sản xuất và bán 04 lô sản phẩm thực phẩm chức năng Brain KBG, Thực phẩm chức năng Cốm vi sinh Bioprobiotic New, Thực phẩm chức năng Valsleepy, Thực phẩm chức năng Cốm bổ Canxi AC kisd không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Mức tiền phạt 24.275.000 đồng.
Công ty TNHH Thực phẩm chức năng Hoàng Hạ Vy, địa chỉ: Số 102, Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bột sữa non Vplus Colostrum Milk Powder 450 g có chất lượng không phù hợp với chỉ tiêu công bố ghi trên nhãn chính trong hồ sơ công bố sản phẩm. Mức tiền phạt: 27.600.000 đồng.
Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen, địa chỉ: Số 43 Nguyễn Đức Thuận, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Tiêu ban Thủy New trên báo hình có nội dung không phù hợp với nội dung được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Mức tiền phạt: 25.000.000 đồng.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt, địa chỉ: Số 1331/15/220 Lê Đức Thọ, Phường 14, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh: Vi phạm về quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm chức năng Superior Fat Burner và Super Growth Height, tái phạm nhiều lần. Mức tiền phạt: 50.000.000 đồng.

Cơ quan chức năng cho biết sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra thị trường thực phẩm chức năng

Bên cạnh đó Cục An toàn thực phẩm cũng có quyết đinh thu hồi hiệu lực của 2 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là: Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phấm số 19810/2014/ATTP-XNCB ngày 19/9/2014 đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Super Growth Height của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt; thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phấm số 16483/2014/ATTP-XNCB ngày 09/9/2014 đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Thận Lực Phiến của Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Đạt.
Trước đó ngày 02/12/2015 Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định số 508/QĐ-ATTP thu hồi hiệu lực giấy xác nhận nội dung quảng cáo của 02 sản phẩm thực phẩm chức năng Superior Fat Burner và Super Growth Height đã cấp cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt. Ngày 09/12/2015, Cục An toàn thực phẩm đã ra Thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa của 06 lô sản phẩm thực phẩm bổ sung của 02 công ty vi phạm về ghi nhãn hàng hóa
Theo TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, lũy kế từ 01/01/2015 đến 30/11/2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 238 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 4,3 tỷ đồng, trong đó có 201 Công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm bị phạt trên 3,3 tỷ đồng; thu hồi 30 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 07 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 60 lô sản phẩm, thu hồi tiêu huỷ 03 sản phẩm và 230kg sản phẩm vi phạm về chất lượng, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết thêm, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng
Thái Bình

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Không được kê thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vào đơn thuốc

SKĐS - Đó là một trong những yêu cầu về kê đơn thuốc được Bộ Y tế đưa ra tại Thông tư 05/2016/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Thông tư gồm 15 điều có hiệu lực từ ngày 1/5/2016.

Đó là một trong những yêu cầu về kê đơn thuốc được Bộ Y tế đưa ra tại Thông tư 05/2016/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Thông tư gồm 15 điều có hiệu lực từ ngày 1/5/2016.
Yêu cầu đối với người kê đơn thuốc
Tại điều 3 của Thông tư quy định, người kê đơn thuốc là bác sỹ.
Y sỹ được kê đơn thuốc khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện của Nhà nước hoặc trạm y tẽ xã, phường, thị trấn, y tế cơ quan, trường học (trạm y tế xã); phải có văn bản phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện phân công khám bệnh, chữa bệnh theo phân cấp quản lý y tế của địa phương.
Bác sỹ, y sỹ tại trạm y tế xã được phép kê đơn thuốc đối với các bệnh ở các chuyên khoa tương ứng với phạm vi khám bệnh, chữa bệnh đa khoa được quyết định trong phạm vi chuyên môn của trạm y tế xã và của bác sỹ, y sỹ. Trong trường hợp cấp cứu người bệnh mà chưa kịp làm thủ tục nhập viện, người kê đơn thuốc của bất cứ chuyên khoa nào (kể cả y học cổ truyền) đều được kê đơn thuốc để xử trí cấp cứu phù hợp với tình trạng của bệnh cấp cứu.
Y sỹ không được kê đơn thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện
Theo Thông tư, chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Số lượng thuốc được kê đơn thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị của Bộ Y tế hoặc đủ sử dụng tối đa 30 ngày, trừ trường hợp: Kê đơn thuốc gây nghiện, Kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc người bệnh AIDS, Kê đơn thuốc hướng tâm thần và tiền chất 
Thông tư nêu rõ, y sỹ không được kê đơn thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất hướng tâm thần và thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa tiền chất không thuộc danh Mục thuốc không kê đơn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Bộ Y tế đã nêu rõ, người kê đơn không được kê vào đơn thuốc thực phẩm chức năng, mỹ phẩm
Thông tư cũng nêu rõ, người kê đơn không được kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm.
Vết tên thuốc trong khi kê đơn theo tên chung quốc tế
Nội dung kê đơn thuốc được nêu rõ như sau: Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong Sổ khám bệnh hoặc Sổ điều trị bệnh cần chữa trị dài ngày của người bệnh; ghi chính xác địa chỉ nơi người bệnh đang thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn, ấp, bản, xã, phường, thị trấn. Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi và ghi tên bố hoặc mẹ của trẻ.
Bên cạnh đó, viết tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic) trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất. Trường hợp ghi thêm tên thuốc theo tên thương mại phải ghi tên thương mại trong ngoặc đơn sau tên chung quốc tế. Ví dụ: đối với thuốc Paracetamol, viết tên thuốc theo tên chung quốc tế: Paracetamol 500mg; trường hợp ghi tên thuốc theo tên thương mại: Paracetamol 500mg (Hapacol hoặc Biragan hoặc Efferalgan hoặc Panadol,...).
Ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc. Số lượng thuốc gây nghiện phải viết bằng chữ, chữ đầu viết hoa. Số lượng thuốc: viết thêm số 0 phía trước nếu số lượng chỉ có một chữ số (nhỏ hơn 10).
Thông tư nêu rõ, trường hợp sửa chữa đơn thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa. Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn; ký, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.
Thái Bình

Thực phẩm chức năng giảm béo: Thực hư về tác dụng

SKĐS - Khi bạn có một thân hình ngoại cỡ, bạn thường ước ao một phép nhiệm màu để mình có thể thon gọn. Và các loại thực phẩm chức năng (TPCN) như trà, bột…

Khi bạn có một thân hình ngoại cỡ, bạn thường ước ao một phép nhiệm màu để mình có thể thon gọn. Và các loại thực phẩm chức năng (TPCN) như trà, bột… giảm cân nhanh, tiện lợi, không mất quá nhiều thời gian để thực hiện, được bạn lựa chọn. Nhưng đó có phải là cách lựa chọn đúng? Trước khi sử dụng, bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này.
Những ca giảm béo ngoạn mục
Chị Hoàng Thị Ph. (Thanh Xuân, Hà Nội), 38 tuổi, dù không thuộc diện béo phì, nhưng chị vẫn thiếu tự tin mỗi khi diện đồ body, vì sau 2 lần sinh nở thì cơ thể chị đã thay đổi rất nhiều. Phần bụng, hông, đùi, vai, lưng là nơi tập trung nhiều mỡ dư thừa nhất, nên chị rất nản. Chị đã dùng nhiều biện pháp như: giảm ăn, tham gia tập thể dục cùng hội phụ nữ tổ dân phố… nhưng tình hình cân nặng vẫn không thay đổi. Rồi chị được mách dùng loại trà thảo dược, giảm cân nhanh, vừa tiện lợi mà lại chẳng mất công gì… Vậy là chị thử giảm cân theo cách ấy và thấy kết quả rõ rệt ở ngay tháng đầu tiên: giảm 7kg. Nhưng để giảm được chừng ấy cân, chị Ph. phải trải qua sự đảo lộn trong sinh hoạt: bị đi tiêu chảy liên tục, mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt… Không dừng lại đó chị tiếp tục sụt cân, da sạm lại, nhăn nheo, các vết nám choán hết mặt. Hoảng sợ, chị dừng uống trà và đi khám bệnh thì được biết chị bị rối loạn điện giải và có dấu hiệu suy nhược cơ thể. Hiện giờ, chị đang phải thực hiện chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ tập luyện để hồi phục sức khỏe. 
Không dùng thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân bừa bãi như chị Ph, anh Ngô Đình Ph. (Láng Hạ, Hà Nội) thuộc tạng người béo phì (cao 1m74, nặng 108kg), đã tìm hiểu và nghe tư vấn rất kỹ trước khi sử dụng sản phẩm này để mong cải thiện cân nặng cho mình. Cùng với việc thực hiện chế độ tập luyện khắt khe được hướng dẫn và dùng TPCN, sau 1 năm, anh Ph. giảm được 28kg trọng lượng cơ thể. Anh từng là hình ảnh điển hình cho những người béo phì thực hiện thành công chế độ kết hợp TPCN cùng luyện tập để giảm cân. Nhưng dù vậy, anh Ph. cho rằng, việc thực hiện chế độ này khá khắt khe, nếu không làm đúng thì không mang lại hiệu quả và nguy cơ tăng cân trở lại là rất cao, thậm chí còn tăng cân hơn trước đó. Do vậy, không thể kỳ vọng vào chỉ TPCN có thể giảm cân được, mà chế độ tập luyện và chế độ ăn uống không được dư thừa năng lượng hằng ngày mới là điều căn bản của việc giảm cân. 
 Trong các sản phẩm TPCN đều có ghi là chứa ít calo, nên thường được khuyên dùng xen giữa trong các bữa ăn để thay thế cho các thực phẩm nhiều calo khác. Đây được đánh giá là phương pháp giảm mỡ tự nhiên, giúp bạn giảm cân. Không chỉ chứa ít calo mà nguồn gốc các TPCN cũng thường làm từ những loại nguyên liệu thuộc các họ đậu, yến mạch, hạt lanh và các loại quả như cà chua, bông cải xanh, các loại rau cải, họ cam quýt, trà,… Những thực phẩm này được đánh giá là tốt đối với sức khỏe, ngăn ngừa ung thư, tim mạch, giảm cholesterol, lại ít calo gây béo. Cơ chế giảm cân dựa trên việc dùng TPCN là làm giảm cảm giác thèm ăn, hoặc kích thích quá trình tiêu hóa và khả năng trao đổi chất đốt cháy calo tích sau mỗi bữa ăn và còn tồn đọng trong các bữa phụ hoặc ăn vặt.
Về vấn đề này, PGS.TS.Tạ Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu rối loạn chuyển hóa – đái tháo đường, khuyên rằng: không nên quá tin vào các sản phẩm TPCN giảm cân, bởi trên thị trường hiện nay có quá nhiều các sản phẩm này mà vấn đề kiểm nghiệm chất lượng đang còn bỏ ngỏ. Nếu bạn sử dụng TPCN một cách mù quáng sẽ tiền mất tật mang, thậm chí là để lại hậu quả lâu dài về mặt sức khỏe.
PGS.TS.Bình cũng cho biết, béo phì có 2 yếu tố chính là gen và môi trường. Yếu tố gen là không can thiệp được, còn yếu tố môi trường, nếu chúng ta can thiệp một cách khoa học thì hoàn toàn có thể giảm cân mà không cần phải sử dụng đến TPCN hay trà giảm cân. Cụ thể, ngay từ còn trẻ, bạn hãy tăng cường vận động thể lực để đốt cháy năng lượng dư thừa; giảm chế độ ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất xơ… để tránh tích lũy năng lượng… Chỉ có như vậy thì việc ngăn ngừa béo phì và giảm cân mới mang lại hiệu quả lâu dài, tăng cường sức khỏe và hạn chế được bệnh tật.
Những cảnh báo của FDA về TPCN
Mới đây Cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra cảnh báo: Nếu bạn đang tự tìm đến các sản phẩm thực phẩm chức năng  mà theo quảng cáo sẽ làm cho bạn giảm cân một cách ngoạn mục, thì đừng nên tin, nếu không bạn có thể vô tình đang tự gây hại đến sức khỏe của chính mình  một cách trầm trọng. Cơ quan này đã phát hiện hàng trăm sản phẩm được bán trên thị trường dưới dạng TPCN nhưng thực chất trong thành phần có chứa các chất có hoạt tính là những đơn chất hay hợp chất của thuốc tân dược. Các thuốc tân dược này có trong danh sách các thuốc bắt buộc thuốc phải kê đơn và có loại đã bị rút ra khỏi thị trường do tác dụng không mong muốn hay chưa được nghiên cứu phù hợp trên người.
Trong bất kỳ sản phẩm nào, kể cả thuốc hay TPCN thì khi một sản phẩm trong thành phần có chứa một thuốc hay thành phần khác mà không được ghi trên nhãn của sản phẩm, thì cần phải thật lưu tâm đến tính an toàn của sản phẩm đó. Chẳng hạn như FDA đã phát hiện nhiều sản phẩm giảm cân có chứa chất sibutranine. Đây là thành phần đã bị FDA rút khỏi thị trường do nó đã gây ra các vấn đề trên tim và đột quỵ. Ngoài ra, FDA cũng đã phát hiện nhiều sản phẩm giảm cân mang nhãn mác là TPCN nhưng trong thành phần có ẩn chứa các thuốc tân dược đang được phép lưu thông như thuốc chống động kinh, thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm. Gần đây nhất, FDA đã phát hiện một lượng lớn các TPCN trong thành phần có chứa chất fluoxetin là hoạt chất của thuốc bắt buộc phải kê đơn để điều trị bệnh trầm cảm có tên biệt dược là prozac và các thuốc khác. Một sản phẩm khác cũng bị phát hiện có chứa một thuốc lợi tiểu cực mạnh (triamterene), mà có thể có tác dụng không mong muốn rất nghiêm trọng và chỉ nên được dùng khi có sự giám sát của các chuyên gia về sức khỏe. Rất nhiều các sản phẩm bẩn như thế được nhập khẩu, rao bán online trên mạng và được khuyến mại rất lớn trên các kênh thông tin đại chúng. Một số cũng có thể được tìm thấy bày bán trên các kệ của các cửa hàng.
FDA đã nhận nhiều báo cáo có hại liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm giảm cân, bao gồm sự tăng các bệnh về huyết áp, đánh trống ngực, (tim đập nhanh và thình thịch), đột quỵ, động kinh và tử vong.
Trọng Nhân

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Dùng thực phẩm chức năng như thế nào để có lợi?

SKĐS - Bên cạnh lợi ích hỗ trợ chữa bệnh, thực phẩm chức năng (TPCN) cũng có tác dụng không mong muốn phải cân nhắc, cẩn thận khi dùng.

Theo định nghĩa kinh điển, thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm được bổ sung hoạt chất chức năng có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh lợi ích hỗ trợ chữa bệnh, thực phẩm chức năng (TPCN) cũng có tác dụng không mong muốn phải cân nhắc, cẩn thận khi dùng.
Qua một số loại thực phẩm chức năng (TPCN) thường dùng đã chọn nêu trên, có thể thấy: TPCN nào cũng có một số hiệu lực hỗ trợ chữa bệnh, song chưa hoàn hảo, chưa hẳn đã có tất cả các công dụng như giới thiệu, thậm chí còn kèm theo các tác dụng không mong muốn (TDKMM) nhất thời hoặc kéo dài. Riêng trường hợp một số người dùng TPCN tự phát hiện bị: tăng huyết áp, tim đập nhanh, tăng cân, suy kiệt …) là do dùng không đúng loại, không đúng liều.
Không nên cho rằng TPCN là vô hại, dùng tùy tiện mà nên có cân nhắc: tìm hiểu kỹ thành phần tính năng có phù hợp với việc hỗ trợ chữa bệnh cho mình không, chứ không nên dùng theo quảng cáo hay dùng theo lời khen của người khác. Người tiêu dùng có quyền tự mua TPCN chứ không bắt buộc mua theo đơn như dược phẩm, nhưng nếu chưa hiểu kỹ thì nên hỏi ý kiến bác sĩ, lương y, dược sĩ.
Những TPCN có hàm lượng hoạt chất chức năng cao hay có thể gây TDKMM trên nhãn đều có ghi liều dùng, phải dùng đúng liều đã chỉ dẫn.
Làm được các điều trên sẽ dùng TPCN hợp lý an toàn.

Theo quy ước, chỉ đưa hoạt chất chức năng vào sản phẩm với một hàm lượng vừa đủ nhằm bù đắp lượng thiếu hụt nên với mức ăn thông thường hay ăn nhiều hơn một chút cũng không quá liều. Như vậy, chúng an toàn và không độc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nảy sinh một số vấn đề:  Thứ nhất, nhà sản xuất đưa hoạt chất chức năng vào sản phẩm với một hàm lượng cao hơn quy ước (để quảng cáo sản phẩm có hiệu lực cao).
Thứ hai, nhà sản xuất đưa vào sản phẩm các hoạt chất chức năng vừa có lợi vừa có hại. Ví dụ: đưa selen vào các sản phẩm chống lão hóa.
Thứ ba, nhà sản xuất đưa vào sản phẩm các chất sinh học hay các chất kích thích tạo ra các chất sinh học như: hoóc-môn tăng trưởng (GH) testosteron, phytoestrogen (estrogen thực vật).
Thứ tư, nhà sản xuất không lấy thực phẩm làm nền mà dùng các nguyên liệu xưa nay chỉ dùng làm thuốc (cây cỏ, động vật, khoáng vật… vốn chỉ dùng trong Y học cổ truyền).
Những thay đổi trên làm cho TPCN tăng thêm mặt có lợi, nhưng cũng làm tăng thêm tác dụng không mong muốn (TDKMM) song chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Làm thế nào tránh các tác dụng không mong muốn?
Dưới đây đề cập đến một số loại thực phẩm chức năng điển hình và một số cách hạn chế những TDKMM:
TPCN bổ sung canxi vitamin D:
Với trẻ em: rất cần, nhất là với trẻ chậm cứng cáp. Tuy nhiên nhu cầu trẻ em chỉ 1.000mg/ngày trong đó thức ăn đã đảm bảo được ít nhất 500mg/ngày nên chỉ nên dùng loại viên có hàm lượng canxi 200mg vitamin D100IU, mỗi ngày dùng 2 - 4 viên (tùy theo tuổi). Nếu trẻ đã dùng thuốc chứa hai chất này (viên canxi- D) thì không nên dùng thêm TPCN trên vì sẽ trùng lặp làm thừa canxi. Thừa canxi trẻ sẽ chán ăn mệt mỏi.
Với người cao tuổi: trước đây cho rằng người cao tuổi sự hấp thu canxi kém do thiếu vitamin D dẫn tới bệnh loãng xương, vì thế dùng thực phẩm chức năng hay thuốc chứa canxi phòng chữa bệnh này. Nghiên cứu mới cho thấy, muốn phòng loãng xương phải dùng canxi đầy đủ ngay khi còn trẻ, còn lúc về già có dùng canxi cũng không làm tăng mật độ xương, không giảm được tỉ lệ gãy xương, trái lại dùng quá nhiều sẽ còn bị nguy cơ các bệnh về tim mạch. Các nhà sản xuất quảng cáo rằng: “tăng hàm lượng canxi trong sữa lên gấp 4 lần để làm tăng hiệu lực chữa loãng xương” là theo quan niệm cũ, không hẳn có lợi.
TPCN chứa selen, tảo, vitamin:
Selen đóng vai trò chống oxy hóa: ngăn cản sự tạo thành lipoperoxid, bảo vệ tế bào, bảo vệ cấu tử màng tế bào nhằm làm chậm quá trình già hóa.Tảo chứa nhiều protein đóng vai trò bổ dưỡng. Vitamin đóng vai trò tăng chuyển hóa. Do đó, sản phẩm TPCN này có tác dụng bổ dưỡng, chống lão hóa. Tuy nhiên, dùng selen quá liều sẽ bị hiện tượng “selenosis”: hơi thở có mùi tỏi, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, móng tay móng chân bị mục, mệt mỏi, khó chịu, gây hại thần kinh, dùng ở liều cao nhất có thể bị xơ gan, phù phổi, thậm chí tử vong; dùng tảo chứa nhiều iod vừa đủ sẽ tránh được bệnh bướu cổ nhưng dùng nhiều sẽ bị hiện tượng cường giáp làm cho tim đập nhanh. Do vậy, sản phẩm này chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ em, chỉ dùng liều vừa đủ (mỗi ngày 1 viên), không dùng liều cao hơn.
TPCN chứa hay kích thích tạo ra các hoóc-môn:
Đây không phải là thuốc biến người già thành người trẻ hay dùng để nâng cao cường độ hoạt động sinh dục lên hơn ngưỡng bình thường. Dùng với mục đích này sẽ không có hiệu quả mà có hại. Dùng tesosteron liều cao hoặc kéo dài là yếu tố làm phát sinh u xơ lành tính, ung thư tuyến tiền liệt, kìm hãm sự sản xuất tinh trùng, gây vô sinh. Do đó, cần dùng cẩn thận: dùng đúng chỉ định đến liều đạt yêu cầu; không dùng sai mục đích với liều cao; không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi (tránh sự rối loạn nội tiết).
Riêng TPCN kích thích tạo ra hoóc-môn tăng trưởng (GH - có vai trò kích thích sự tăng trưởng, sinh sản, tái sinh) nam cao tuổi dùng GH sẽ trẻ trung ra nhưng không mạnh hơn, không sáng suốt hơn; sự trẻ trung có được cũng không vững bền. Do đó cho đến nay, về mặt dược phẩm, GH chưa được chấp nhận là thuốc chống lão hóa. Mặt khác, khi GH lên quá ngưỡng sẽ gây ra bệnh u tuyến yên làm đau đầu, chèn ép dây thần kinh thị giác, ảnh hưởng đến tầm nhìn; gây tăng quá mức xương của các đầu chi gọi là bệnh to cực; gây ra hội chứng ống cổ tay; gây tiết nhiều mồ hôi, yếu cơ, giảm chức năng quan hệ tình dục, thậm chí có thể tạo ra đái tháo đường týp 2. Nhà sản xuất không thể điều chỉnh được mức tăng GH mà tùy theo đáp ứng từng người nên khó đánh giá hiệu quả, khó đánh giá TDKMM.
TPCN chỉ sản xuất từ các dược liệu chữa bệnh:
Mỗi vị thuốc có tính vị (nóng, ôn, hàn, mặn, ngọt, chua đắng, chát) và quy kinh khác nhau; căn cứ vào tạng của từng người (hàn, nhiệt), thời gian mắc (mới, đã lâu), mức bệnh (nặng, nhẹ)… mà phối ngũ các vị thành bài thuốc dùng cho từng người. Tuy nhiên, đối với các vị thuốc bào chế thành TPCN dùng chung cho mọi người, khác hẳn cách dùng theo YHCT nói trên. Do đó, nếu không hiểu biết đầy đủ thành phần tính năng sản phẩm, người dùng có thể gặp một số bất lợi. Chẳng hạn: người cao huyết áp nhưng dùng TPCN chữa hen chứa ma hoàng; ma hoàng chứa ephedrin làm giãn phế quản chữa được cơn hen nhưng là chất cường giao cảm nên lại làm tăng cao huyết áp.
Thực phẩm chức năng bổ dưỡng
Có một số loại TPCN được coi bổ dưỡng chung hay bổ dưỡng cho một số cơ quan chức năng nhưng không nên nghĩ rằng chúng “không bổ ngang thì bổ dọc” mà cứ dùng thả cửa.
Điểm qua một số TPCN dạng này:
Thành phần TPCN có các chất dinh dưỡng (protein, amino acid) các vitamin (tăng cường chuyển hóa) và chất xơ là để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng không làm thừa năng lượng như khi ăn thực phẩm thô. Thực chất nó là TPCN dùng để giảm cân. Có người không thừa cân nặng, không béo phì mà dùng TPCN này để bổ dưỡng là không đúng thậm chí là trái với chế độ ăn cân đối vì thiếu hẳn chất béo, glucid. Nếu dùng kéo dài sẽ không lợi vì gây mệt mỏi, làm thay đổi sự chuyển hóa bình thường trong cơ thể.
TPCN bổ sung dinh dưỡng chứ không phải là TPCN dùng giảm cân. Làm từ sữa đậu nành, sữa cung cấp một hỗn hợp protein gồm nhiều loại aminoacid, trong đó có loại aminoacid cần thiết ngoài ra còn cung cấp một lượng canxi sắt, chứa rất ít cholesterol, chất béo. Dùng sản phẩm này (25g/ngày) sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, giảm mỏi mệt, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ được dùng cho người lớn, trẻ em trên 3 tuổi.
TPCN chứa vitamin E, selen, bột rau ngải tây (chứa carotenoid) đều là những chất chống oxy hóa nên được dùng cho những người tiếp xúc với môi trường độc hại, người hút thuốc lá, thích hợp cho những người muốn tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, cũng không thể dùng sản phẩm này quá mức vì selen khi dùng nhiều sẽ bị hội chứng selenoic ( như đã đề cập ở trên) và vitamin E khi dùng nhiều cũng không có lợi.
TPCN bổ sung vitamin C: TPCN này mỗi viên chứa 250mg C tự nhiên (làm từ quả Acerola Chery), 35g flanonoid (chiết từ cam) và chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient). Sản phẩm này dùng cho người muốn tăng sức đề kháng, chế độ ăn hàng ngày không đa dạng, người hay hút thuốc lá, uống rượu bia.
Theo FAO, nhu cầu vitamin C mỗi ngày từ sơ sinh đến 3 tuổi: 25 - 30mg, từ 4 - 18 tuổi 30 - 40mg, người lớn trung bình 45mg. Cần thiết cung cấp đủ, nếu thiếu phải bổ sung, nhưng cũng không nên bổ sung thừa.
Nếu dùng liều cao kéo dài cũng có nhiều điều bất lợi: có thể làm cho cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ thấy mỏi mệt. Hoặc có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy), gây thừa sắt… Do đó, cũng không nên dùng tùy tiện, mà chỉ dùng hỗ trợ chữa bệnh trong những trường hợp cần thiết theo đúng liều chỉ dẫn.
Như vậy, với các loại TPCN có tính bổ dưỡng này thì chỉ nên dùng khi chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu hay khi cần hỗ trợ chữa bệnh. Khi không còn thiếu nữa hay khi đã hỗ trợ đủ chữa bệnh thì ngừng dùng, thực hiện chế độ ăn đủ cân đối chất để duy trì hiệu quả.
TPCN bổ gan mật: có tác dụng hỗ trợ làm tăng cường chức năng gan, lợi mật. Loại TPCN này thường có các loại chè hãm (như chè actiso, chè nhân trần), các loại viên (như các loại viên bổ gan, tiêu độc). Chỉ dùng hỗ trợ phục hồi khi chức năng suy giảm (enzyme gan tăng), còn khi chức năng gan đã phục hồi (enzyme gan trở trị số bình thường) thì phải ngừng dùng, nếu không sẽ làm cho gan “mệt thêm”, nếu dùng kéo dài mãi là có hại cho gan.
Kỳ tới: thực phẩm chức năng không phải là thuốc - cần hiểu đúng công dụng của chúng